Chọn loại cây atiso đỏ dùng để sản xuất nước giải khát, thanh niên Phạm Tấn Phát, sinh năm 1999, ấp Cầu Vĩ, xã Mỹ Chánh khởi nghiệp sáng tạo, gặt hái được thành công đáng khích lệ.
Xuất thân từ nhà nông, năm 2021, sau 03 năm đi hợp đồng lao động có thời hạn ở Nhật, thanh niên Phạm Tấn Phát luôn ấp ủ niềm khát khao được trở về quê nhà và khởi nghiệp tại chính vùng đất này.
Lựa chọn cây Atiso đỏ là nguồn lực chính, bằng sự sáng tạo độc đáo, anh đã kết hợp cùng với hình thức bán hàng online, kết hợp với hình thức livestream trực tiếp các công đoạn sản xuất nên đã thu hút không ít khách hành. Không chỉ vậy, anh còn bán lẻ để tăng lợi nhuận, đồng thời kết hợp với bán thêm một số mặt hàng ăn nhanh. Nhờ đó anh đã có trong tay thành phẩm đạt doanh thu cao, đó là si rô atiso đỏ đường phèn, từng bước xây dựng và phát triển Cơ sở sản xuất siro atiso đỏ Hello Cô 8 phát triển bền vững.
Anh Phạm Tấn Phát –chủ Cơ sở sản xuất si rô atiso đỏ Hello Cô 8, ấp Cầu Vĩ, xã Mỹ Chánh chia sẻ: Năm 2021, đại dịch Covid -19 tác động mạnh đến nền kinh tế của đất nước, điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, đặc biệt là lao động nông thôn như anh không tìm được việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Chính vì lẽ đó, càng thôi thúc bản thân anh phải tìm mô hình, cách làm mới để tự phát triển kinh tế. Và trong một lần trao đổi về vấn đề khởi nghiệp cùng với các thành viên trong gia đình, anh đã nhận được gợi ý của người chị gái về việc trồng cây atiso đỏ để lấy hoa sản xuất si rô. Được sự đồng thuận ủng hộ của người thân. Qua quá trình tìm hiểu, tháng 10/2022, anh Phát quyết định trồng thử nghiệm 50 cây atiso đỏ, cây giống được mua từ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giai đoạn đầu mới thử nghiệm, anh gặp không ít khó khăn, đặt biệt là về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây; rồi đến khâu chế biến si rô, đóng hộp, bảo quản, nhãn hiệu, cũng như việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự sáng tạo, anh đã dần khắc phục được những khó khăn và đi đến thành công. Hiện nay, vườn cây atiso đỏ của anh đã phát triển với diện tích 6.000m2, với số lượng cây atiso đỏ được trồng trên 600 gốc.
Ông Lê Văn Đoạn – Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh cho biết: Đứng về góc độ chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân đều có thể phát triển kinh tế. Riêng đối với Cơ sở sản xuất siro atiso đỏ của Phạm Tấn Phát, xã sẽ tập trung hỗ trợ anh sớm hoàn thành các thủ tục, hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP; xây dựng thương hiệu siro atiso đỏ trở thành sản phẩm đặc trưng, là thế mạnh, là đặc sản của địa phương, qua đó để Mỹ Chánh thực hiện tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ về vốn để cơ sở có thể cải tiến kỹ thuật, trang thiết bị và quy mô sản xuất; nhân rộng và phát triển vùng nhiên liệu trồng cây atiso đỏ tại địa phương.
Sắp tới, anh Phạm Tấn Phát sẽ nghiên cứu và tung ra thị trường thêm dòng sản phẩm mứt atiso đỏ phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời anh dự tính liên kết với nông dân mở rộng diện tích trồng atiso đỏ tạo nguồn nguyên liệu cho thị trường. Ngoài ra, anh còn ấp ủ xây dựng khu vườn trồng atiso đỏ thành điểm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, giải trí.
Cây atiso đỏ (hay còn gọi là cây bụp giấm), có tên khoa học là Hibiscus. Hoa atiso đỏ chín có vị vừa ngọt, vừa chua, thường được sử dụng để ngâm với đường làm mật si rô, dùng để giải khát. Hoa atiso đỏ rất giàu dinh dưỡng, thành phần chứa các axit và protein, vitamin c, cùng những chất có chứa kháng sinh khác.
Anh Phát cho biết thêm, cây atiso đỏ trồng khoảng 2 tháng rưỡi là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch hoa trong vòng 1 tháng, bình quân mỗi cây cho khoảng 15kg hoa trở lên. Cây atiso đỏ rất dễ chăm sóc, hầu như không bị sâu bệnh tấn công, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không cần tưới phân nhiều. Đặc biệt, khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương rất phù hợp để cây atiso đỏ sinh trưởng và phát triển.
Về phương thức chế biến si rô atiso đỏ, anh Phát chia sẻ: Hoa atiso đỏ sau khi hái, loại bỏ phần cuống hoa, lấy bỏ hạt bên trong; sau đó tiếp tục cho hoa vào ngâm với đường phèn, cứ 1 lớp hoa thì 1 lớp đường phèn đến khi hết hoa thì phủ 1 lớp đường trên mặt. Cứ 1kg hoa đã bỏ hạt thì dùng 1kg đường. Sau 2 ngày thì đường tan thấm vào hoa, nước hoa ra có màu đỏ đẹp. Sau đó, sẽ đổ ra rây lọc lấy phần siro. Phần siro cho vào nồi đun sôi, sau đó để nguội trộn với phần đày hoa cho vào hộp nhựa bảo quản trong phòng lạnh. Khi uống cho ra ly thêm đá rồi thưởng thức.
Sản phẩm siro atiso đỏ đã được chứng minh có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên rất được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, sản phẩm siro atiso đỏ của Cơ sở không đủ cung cấp do nhu cầu thị trường hiện nay rất lớn. Bình quân mỗi ngày Cơ sở tiếp nhận từ 150- 200 đơn đặt hàng mua sản phẩm. Doanh thu mỗi tháng của cơ sở từ 200 triệu - 300 triệu đồng, lợi nhuận thu về từ 10-15 % tổng doanh thu. Để từng bước nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, anh Phát mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để anh đăng ký sản phẩm OCOP đối với si rô atiso đỏ do cơ sở mình sản xuất.